Tết Trung thu không chỉ là khoảng thời gian trẻ em được vui chơi, rước đèn mà còn là dịp để mọi người quây quần bên nhau ngắm trăng. Từ đó mà Tết Trung thu cũng còn được gọi là Tết Đoàn viên. Vậy nguồn gốc của cái Tết này từ đâu? Ý nghĩa của nó là gì? Cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar tìm hiểu nhé.
Table of Contents
Tết Trung thu có nguồn gốc như thế nào?
Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung thu ở Việt Nam có nguồn gốc từ thời xa xưa, khi mà các phong tục đón Trung thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê – Trịnh thì Tết Trung thu không chỉ được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà còn phổ biến trong dân gian.
Tết Trung thu gắn liền với nền văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt. Thời điểm này khí hậu ôn hòa mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch nên mọi người nhân dịp này mà mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi. Trong đêm rằm Tháng Tám, nhà nhà quây quần phá cỗ, ngắm trăng, ca hát nhảy múa, trẻ con thì rước đèn đi khắp xóm làng.
Cũng có người cho rằngn guồn gốc Tết Trung thu xuất phát từ thời vua Đường Minh Hoàng (713-741 Tây Lịch). Vào đêm Trung thu, trăng rất tròn và trong sáng, thời tiết mát mẻ, nhà vua đang dạo chơi vườn Ngự Uyển thì gặp đạo sĩ La Công Viễn. Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng. Ở đấy, cảnh trí lại càng đẹp hơn, nhà vua hân hoan thưởng thức cảnh tiên và hòa mình vào âm thanh ánh sáng huyền diệu cùng các nàng tiên tha thướt trong những xiêm y đủ màu sắc. Nhà vua vui đến quên cả lối về, đạo sĩ phải nhắc nhà vua mới chịu trở về nhưng lòng đầy quyến luyến.
Về tới hoàng cung, Đường Minh Hoàng còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế ra Khúc Nghê Thường Vũ Y. Cứ mỗi độ rằm tháng Tám lại ra lệnh cho hoàng cung bày tiệc ăn mừng, trong khi đó nhà vua và Dương Quý Phi lại cùng nhau uống rượu dưới trăng ngắm các nàng cung nữ múa hát.
Dần dà, tục lệ này truyền ra dân gian, cứ mỗi độ trăng rằm tháng Tám, mọi người mọi nhà lại quay quần bên nhau phá cỗ, ngắm trăng. Vào dịp này, mọi người làm bánh Trung thu để cúng, ăn, biếu thân bằng quyến thuộc và đãi khách, trẻ nhỏ thì rước đèn trong đêm Trung thu.
Không chỉ ở Việt Nam và Trung Quốc mà Tết Trung Thu cũng diễn ra ở Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… và mỗi nơi lại có những truyền thuyết khác nhau. Nhưng nói chung, Tết Trung thu đại diện cho sự đoàn viên, quây quần và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất, trẻ nhỏ thì thỏa sức vui chơi, rước đèn.
Ý nghĩa Tết Trung thu ở Việt Nam
Theo quan niệm của người xưa, Tết Trung thu không chỉ là dịp để cùng nhau ngắm trăng, phá cỗ mà còn là dịp mọi người cùng nhau họp mặt để tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
Tết Trung thu cũng là ngày mọi nhà chuẩn bị môt mâm cỗ thịnh soạn gồm các loại bánh và trái cây, đặc biệt là bánh Trung thu. Trước tiên là dâng lên cúng tổ tiên, ông bà, những người đã khuất. Sau đó, cả nhà sẽ cùng nhau quây quần để phá cỗ, thưởng trăng, kể chuyện cho nhau nghe.
Hiện nay, vào dịp Trung thu, người ta thường tặng nhau những món quà, đa phần là các hộp bánh Trung thu để tỏ lòng hiếu kính với ông bà, bố mẹ, thay lời chúc tốt đẹp đến bạn bè, người thân, đối tác, khách hàng. Trong khi đó thì các em nhỏ sẽ cùng nhau rước đèn, phá cỗ, xem múa lân, ngắm trăng…
Các phong tục Tết Trung Thu
Phong tục chơi đèn lồng
Tết Trung thu đi đôi với hình ảnh chiếc đèn lồng nhiều màu sắc sáng rực rỡ dưới ánh trăng vàng. Một số lại được làm thành dạng đèn hoa đăng, mọi người sẽ cùng nhau ghi những ước nguyện vào và thả trôi xuống dòng sông mang lời cầu nguyện đi xa.
Ở Trung Quốc, mọi người còn có thả đèn Khổng Minh. Đây là loại đèn có kích thức lớn, dán giấy xung quanh và thắp nến ở giữa, mọi người sẽ cùng nhau viết ước nguyện lên đèn và sau đó thả lên bầu trời. Mỗi dịp Trung thu sẽ có hàng chục, hàng trăm ngọn đèn được đồng loạt thả làm sáng rực cả một vùng trời, như thay mặt để chuyển lời cầu nguyện tới các vị thần linh.
Còn hiện nay tại Việt Nam, đèn lồng chủ yếu là được làm cho trẻ em vui chơi là chính. Những chiếc đèn Trung thu cũng có vô số hình dáng từ bông hóa, cá, gấu… hầu hết được làm thủ công từ tre và giấy gió, tô vẽ bên ngoài đèn là những nét vẽ đường thêu vô cùng đặc sắc.
Phong tục ngắm trăng
Trăng rằm Tháng Tám được xem là biểu hiện của sự sum vầy, đoàn viên. Thời điểm này trong năm cũng là lúc khí hậu mát mẻ, trời đất hòa hợp. Vào thời xưa, đây cũng là lúc mà các nông dân nhàn nhất, có thể thảnh thơi ngắm cảnh thưởng nguyệt, phá cỗ dưới ánh trăng. Trong lúc cả nhà quây quần thì mọi người sẽ kể cho nhau nghe những câu chuyện khi đi làm ăn, đi học xa. Các ông bố bà mẹ thì sẽ kể về giai thoại chú Cuội ngồi gốc đa cho con mình nghe.
Phá cỗ Trung thu
Phá cổ Trung thu là phong tục lâu đời của người Việt. Mỗi năm vào dịp này, mọi gia đình sẽ bày một mâm cỗ với bánh trung thu, kẹo, các loại trái cây… Trước là dâng cúng trời đất và Trăng cùng ông bà tổ tiên, sau là để cả nhà cùng nhau quây quần phá cỗ và thưởng thức hương vị của Tết Trung thu, cùng nhau cầu mong một cuộc sống tốt lành và đoàn viên.
Xem múa lân
Vào đêm 14 và đêm 15 tháng Tám, nhiều nơi thường tổ chức múa lân. Con lân tượng trưng cho phước lành và may mắn vì vậy múa lân đêm trung thu cũng tượng trưng cho ước mong cho những điềm lành đến với mọi người mọi nhà.
Cắt bánh trung thu
Bánh Trung thu tượng trưng cho sự đoàn viên, là thứ không thể thiếu để cúng trăng và tổ tiên ông bà. Bánh Trung thu có hai loại gồm bánh nướng và bánh dẻo. Bánh nướng thường có vị mặn, làm bằng nhân đậu xanh và lòng đỏ trứng gà. Còn bánh dẻo có vị ngọt làm bằng nhân đậu xanh hay đậu đỏ được nấu nhừ và đánh nhuyễn như bột.
Ban đầu, bánh Trung thu có hình tròn, tượng trưng cho sự đoàn viên. Dần dần, bánh được biến dạng thành hình vuông, bên ngoài bánh, phía trên mặt vẽ một vòng tròn ngay trung tâm bằng lòng đỏ trứng gà, trông như vầng trăng chiếu sáng… Ngày nay bánh Trung thu cũng được biến tấu thành nhiều loại nhân khác nhau, phù hợp với sở thích của mọi người.
Mọi người thường cắt bánh Trung thu bằng với đúng số thành viên trong gia đình. Tương truyền rằng miếng bánh càng đều thì gia đình càng hạnh phúc hòa thuận.
Như vậy là bạn đã biết thêm nhiều điều thú vị về Tết Trung thu rồi đấy! Chúc bạn và gia đình có một cái tết đoàn viên thật hạnh phúc và nhiều ý nghĩa.
Leave a Reply